Kiếm thêm nhiều tiền một chút Nghe có vẻ hơi tầm thường, nhưng tiền quả thực rất quan trọng, tôi không hề trốn tránh điều này. Quan sát nh...
Kiếm thêm nhiều tiền một chút
Nghe có vẻ hơi tầm thường,
nhưng tiền quả thực rất quan trọng, tôi không hề trốn tránh điều này. Quan sát
những người xung quanh mình, rất nhiều bi kịch đều tới từ hai chữ “tiền bạc”.
Bước vào tuổi trung niên, bạn
sẽ biết được rằng những chỗ cần tiêu tiền nó nhiều ra sao, đây không chỉ đơn giản
là vấn đề chất lượng cuộc sống, mà còn là vấn đề về tinh thần và tâm lý.
Khi con cái nhà người ta được
đi du học, được học các lớp năng khiếu, lớp ngoại ngữ, thì bạn lại chỉ có thể động
viên con mình cố gắng học tập chăm chỉ để thay đổi vận mệnh.
Khi quần áo của vợ đều là
hàng mua ở chợ đêm hay hàng online giảm giá, muốn có một bộ mỹ phẩm chính hãng
xịn xịn một chút nhưng lại không đủ khả năng, bạn chỉ có thể an ủi cô ấy rằng
thôi không sao, dùng mấy cái này cũng được.
Trong những trường hợp như vậy,
tinh thần và tâm lý của bạn có còn có thể vui vẻ? Có thể bạn sẽ nói, sao phải
so sánh như thế?
Thực ra thì để người nhà có
một cuộc sống sung túc, cũng là một loại năng lực. Bước vào tuổi trung niên,
khi mà bạn vẫn chưa có được cái năng lực ấy, ngày ngày chỉ biết trách móc mình,
cảm giác đó mới là cảm giác đau đớn, khó chịu nhất.
Vì vậy, hãy dừng ngay cái
hành vi chỉ giỏi nói lại, tập trung và hành động để biến mình trở nên giàu có
hơn, gia đình sung túc hơn. Có một chân tướng mà bạn bắt buộc phải thừa nhận,
đó là:
Hầu hết mọi người không thể
tách ra được với hạnh phúc vật chất. Bạn và tôi đều nằm trong cái số “hầu hết” ấy.
Có điều kiện vật chất rồi, bạn mới có thể dõng dạc nói với người mà bạn ghét rằng
“Biến!”
Có tài chính hỗ trợ rồi, bạn
mới có thể đi tìm cho mình một chân trời mới khi đã cảm thấy quá mệt mỏi với
công việc hiện tại.
Trong thẻ có đủ số dư rồi, bạn
mới có thể ngồi dưới chiếc ô Starbucks vào một buổi chiều đầy nắng và thong thả
đọc một cuốn sách, chậm rãi đợi thời gian trôi qua…Muốn hiện thực hóa được những
điều này, trước tiên, nỗ lực kiếm tiền đã!
Bồi
đắp quan hệ vợ chồng
Có thể tới tuổi trung niên rồi
bạn mới hiểu ra được rằng, người bạn đời chính là bến đỗ cuối cùng vững chắc nhất
của mình.
Khi bạn trải qua biết bao
thăng trầm, gặp qua không biết bao khuôn mặt giả tạo xấu xí, kinh qua không biết
bao sự khó lường của lòng người, nếm qua không biết bao nhiêu lừa lọc dối trá…
Bạn sẽ phát hiện ra, những cảm
xúc thất vọng và sự bất lực tưởng như không thể chia sẻ cùng ai này lại vẫn có
thể “trút ra”, bởi lẽ, luôn có một người sẵn sàng ngồi xuống nghe bạn tâm sự,
và luôn thấu hiểu, đồng cảm với bạn, người đó chính là người bạn đời của bạn.
Ở một góc độ nào đó mà nói,
cái gọi là vợ chồng, không chỉ là một loại khế ước, một kiểu thân phận, một sự
quá độ của tình yêu, hay một sự hình thành của một gia đình, mà nhiều hơn chính
là một “quan hệ cộng sinh”.
Có nghĩa là, khi đã là vợ chồng,
là khi tinh thần luôn hỗ trợ lẫn nhau, tình cảm chỉ cất giữ cho nhau, dù không
nói ra, nhưng vẫn luôn thấu hiểu nhau.
Vì vậy, bước vào tuổi trung
niên, bất hạnh lớn nhất chính là bất hạnh trong hôn nhân, bôn ba gần nửa đời
người, nhưng tới người sẵn sàng lắng nghe mình cũng không giữ được, còn gì bi
thương hơn điều này?
Thực ra, bất kể đang ở độ tuổi
nào, bạn cũng cần phải học cách “chăm bón” hôn nhân của mình, là phải chăm sóc
sao cho tốt chứ không phải chỉ đơn giản ở sống, là ở với nhau.
Điều đó có nghĩa là bạn phải
thường xuyên “tưới nước, bón phân và làm cỏ” cho cuộc hôn nhân của mình, dù chỉ
là những việc nhỏ nhặt, nhưng bạn hoàn toàn có thể cảm nhận được phần thưởng to
lớn khi bước vào nửa sau của cuộc đời.
Ôm
con cái nhiều hơn một chút
Từ một thanh niên tới khi
làm một ông bố, tôi đã tốn rất nhiều thời gian để thích ứng. Ngày vợ sinh, khi
y tá bế trên tay một đứa nhỏ trao cho tôi bế, phản ứng đầu tiên của tôi là
tránh. Bởi lẽ tôi của khi đó chưa sẵn sàng để làm một người cha. Đứa nhỏ rất
hay quấy khóc, nhiều hôm quấy cả đêm, không rời ba mẹ khiến cả hai vợ chồng mất
ngủ. Tôi thậm chí còn muốn huấn luyện con khi nào không khóc thì ba mẹ mới ôm,
nhưng vợ tôi không làm được, hễ con khóc là ôm con vào lòng. Hơn nữa, cô ấy còn
thường xuyên nói với tôi:
Đợi con lớn rồi, đến lúc đấy
anh có muốn ôm nó cũng chẳng cho anh ôm đâu. Sau đó, tôi cũng ôm con nhiều hơn.
Cho tới vài ngày trước, con trai giờ đã 11 tuổi, ở dưới lầu thấy con đi học về,
muốn chạy ra ôm con một cái. Thế rồi, thằng bé vội vã chỉ sang bạn học bên cạnh
rồi né tôi, giống như lần đầu tiên tôi trông thấy nó vậy… Lời của vợ cuối cùng
cũng linh nghiệm, chỉ là không ngờ sao nó lại đến sớm vậy.
Một doanh nhân nọ là ông chủ
của một doanh nghiệp lớn, quản lý hàng ngàn nhân viên, là một nhân vật khá
thành công.
Một năm nọ ông đi Mỹ du lịch,
lúc thông quan, trông thấy một người Mỹ bế đứa con con của mình lên cho nhân
viên an ninh kiểm tra, trông thấy cảnh tượng này, vị doanh nhân đột nhiên rơi
nước mắt.
Lý do là bởi, bản thân ông
cũng có 2 đứa con trai, nhưng ông lại chẳng thể nhớ được con mình lúc 5,6 tuổi
trông như thế nào, bởi lẽ ông chưa bao giờ ôm chúng vào lòng.
Đàn ông là loài động vật
thiên về lý trí, đặc biệt là khi còn trẻ, thích sự mạnh mẽ, không thích sự ủy mị
hay dịu dàng, không có quá nhiều cảm giác với từ “ôm”.
Nhưng tôi muốn khuyên bạn rằng,
có thời gian, hãy ôm con của mình nhiều hơn một chút, đợi tới lúc bạn muốn e là
đã muộn, bởi lẽ một khi đã bỏ lỡ, sẽ chỉ để lại những khoảng rỗng không thể bù
đắp.
Có một sở thích
Bước vào tuổi 40, có lẽ hầu
hết mọi người đều sẽ có một điểm chung đó là: cảm giác lo âu và buồn chán. Có
thể bạn sẽ nói, người trẻ hiện nay cũng thế thôi mà. Thực ra có sự khác biệt,
người trẻ có nhiều thời gian và cơ hội hơn, vì vậy họ có thể có những tưởng tượng,
ước mơ phong phú hơn về tương lai. Nhưng người trung niên thì sau? Ngay cả tưởng
tượng, ước mơ cũng đã bị lấy đi mất.
Một nhà văn trong một cuộc
phỏng vấn, khi bàn về nguy cơ trung niên, ông cho rằng nó bắt nguồn từ “cảm
giác chắc chắn”.
Bước vào tuổi trung niên, đã
biết rằng mình là ai, có những việc nào bạn làm được, việc nào không làm được,
những lúc như này, bạn có còn hứng thú hay sở thích nào không? Sự tàn khốc của
tuổi trung niên nằm ở chỗ: họ tiến về phía trước trong vô vàn gánh nặng cùng với
sự vô vọng.
Người trung niên khi này, sức
lực và cơ thể đều đang xuống dốc, nhưng gánh nặng và phiền não lại cứ ngày càng
nặng hơn, nếu không biết cách giải tỏa áp lực một cách hợp lý, thế giới tinh thần
sẽ rất dễ sụp đổ chỉ trong tích tắc. Nếu có một sở thích, mọi chuyện sẽ trở nên
khác biệt. Những lúc chán nản, luôn sẽ có một nơi để tinh thần nương tựa, không
để mình rơi vào vòng xoáy không thể tự giải thoát.
Cá nhân tôi thích đánh cầu
lông, bất kể có gặp chuyện phiền phức tới đâu, khó khăn tới đâu, chỉ cần có thể,
tôi sẽ đi đánh cầu, ít nhất trong vài tiếng đó, tinh thần sẽ được sảng khoái,
thế giới cũng trở nên dịu dàng hơn.
Trong mưa gió bão bùng,
không tìm thấy một bến đỗ tạm thời, vậy thì thế giới làm sao mà trở nên ngập
tràn hi vọng cho được?
Đừng
bao giờ ngừng học hỏi hay đọc sách
Ở đây không phải là ép bạn
phải đi học thêm kĩ năng nào đó hay đọc các sách chuyên môn, điều này tất nhiên
cũng quan trọng, nhưng nó không phải điều mà tôi muốn nhấn mạnh.
Cái tôi muốn nói ở đây đó
là: luôn duy trì việc tìm kiếm niềm vui và sự hứng thú thông qua đọc sách. Đầu
tiên, đọc sách chính là cửa lớn thông tới trí tưởng tượng. Cá nhân tôi luôn cảm
thấy rằng, một cuốn tiểu thuyết hay một tác phẩm văn học, khi đã được chuyển thể
thành phim điện ảnh hay truyền hình, dù có hay tới đâu, cũng sẽ không thể đem lại
được cho bạn cái cảm giác, sự trải nghiệm như khi đọc truyện gốc.
Nguyên nhân rất đơn giản, bởi
vì một khi đã chuyển thể thành phim, bất kể là diễn viên chính, bối cảnh hay đạo
cụ, chúng đều sẽ biến thành những thứ cụ thể và có hình dạng, trí tưởng tượng của
bạn sẽ bị gắn vào những thứ cụ thể đó, từ đó mất đi khả năng cũng như khát khao
mở rộng trí tưởng tượng.
Còn đọc sách lại không như vậy,
những con chữ có thể giúp bạn bay nhảy, mở rộng không gian tưởng tượng của mình
tới vô tận, thậm chí không gian này được tùy chỉnh cho bạn, và nó chỉ tồn tại
trong hệ tư tưởng của bạn.
Cũng giống như câu nói nổi
tiếng: “Có 10000 cuốn “Cuốn theo chiều gió”, sẽ có 10000 Scarlett O’Hara.” Sự
thú vị của việc đọc sách chính là ở đây.
Thứ
hai, đọc sách là con đường giúp nâng cấp tư tưởng.
Phàm là những tư tưởng sâu sắc,
nhất định sẽ rất trừu tượng, cũng có nghĩa là rất khó để diễn đạt chúng qua màn
ảnh hay hình tượng cụ thể, chỉ có thể hiện qua các ký hiệu văn bản, qua ngòi
bút. Không đọc sách, là bạn đang mất đi một cơ hội được tiếp xúc với những tư
tưởng ưu tú đó.
Mỗi một tác giả của một cuốn
sách kinh điển, đều là những học giả ưu tú nhất của thời đại đó, và những cuốn
sách kinh điển ấy lại cô đặc lại tất cả những tinh hoa tư tưởng của họ, trong
quá trình đọc, bạn sẽ giống như đang được đàm thoại với tác giả, rất khó có thể
tìm được phương thức khác giúp nâng cấp tư duy của mình ngoài việc đọc.
Sự phát triển trí tuệ và thu nhận kiến thức trong quá trình này là một loại nguồn hạnh phúc ổn định, lâu dài và nâng cao, sẽ thúc đẩy bạn trở thành một người có ung dung, bình tĩnh và lý trí khi bước vào độ tuổi trung niên.
Sức
khỏe luôn luôn là thứ quan trọng nhất, không có “một trong”
Có một câu chuyện như này:
Gấu Bắc Cực được công nhận
là một trong những loài động vật có vú mạnh mẽ nhất. Ở nhiệt độ thấp âm 40 độ,
gấu Bắc Cực có thể chạy hơn 40 phút, bơi trong dưới nước băng trong 15 phút,
không ăn trong 20 ngày liên tiếp, bộ lông dày của nó có thể chống chọi lại mọi
loại dao và giáo, đối mặt với một loài động vật mạnh mẽ như vậy, tộc người
Eskimo Làm thế nào để đối phó với chúng? Gấu Bắc Cực có một yếu điểm chính là:
khát máu.
Một thợ săn Eskimo sẽ giết một
con hải cẩu con, bôi một chút máu nó trên lưỡi kiếm, sau đó cắm kiếm ngược vào
trong xô máu. Xô máu sẽ được đặt bên ngoài, đông thành băng. Một dụng cụ săn gấu
ra đời.
Gấu Bắc Cực nhìn thấy máu sẽ
nhanh chóng dùng lưỡi liếm nó. Khi liếm máu trên đó, lưỡi nó dần dần cũng đông
cứng lại. Liếm tới lưỡi dao sẽ tạo ra một vết thương nhỏ trên lưỡi của gấu Bắc
Cực.
Lúc này, chiếc lưỡi đông cứng
của gấu Bắc Cực sẽ không hề có cảm giác đau, cho đến khi vết thương ngày càng
sâu và cuối cùng gấu Bắc Cực ngã xuống do mất quá nhiều máu. Cuối cùng thì con
gấu Bắc Cực lại tự liếm máu của mình…Lúc này, người Eskimo đang chờ sẵn sẽ nhảy
ra giết gấu Bắc Cực.
Tôi muốn dùng câu chuyện này
như một phép ẩn dụ để nói với bạn rằng: con người ta khi còn trẻ đều sẽ bị mức
lương cao vời, danh lợi lóa mắt cám dỗ, cũng giống như máu tươi ở trên lưỡi dao
vậy.
Vì những thứ đó, chúng ta liều
mình lao vào, mà không biết, sau đó, mình sẽ phải trả một cái giá đắt đỏ ra
sao.
Dạo trước, một nhân viên nọ
đột ngột bị đau tim và qua đời. Trước ngày ra đi một ngày, anh ấy vẫn tăng ca tới
tận 2h sáng.
Tôi không dám nói rằng áp lực
công việc là căn nguyên của bệnh tật, nhưng nếu nói rằng không có chút liên
quan nào thì tôi nhất định không tin. Anh ấy rất ít khi được nghỉ ngơi, hay đi
công tác, làm thêm giờ, thể chất và tinh thần đều rất kém.
Điều đáng lo ngại ở đây đó
là đây là một hiện tượng rất phổ biến xảy ra xung quanh chúng ta. Chúng ta có
thể dễ dàng nhìn thấy được lợi ích của việc liều mạng làm việc, nhưng lại tạm
thời không thể thấy được cái giá phải trả vì điều này. Nhưng cũng chính vì vậy
mà không thể không cảnh tỉnh mọi người, bất cứ thứ gì trên thế gian này, cũng
không đáng để ta lấy sức khỏe ra để đánh đổi.
Nếu nói, thứ quyết định nửa
cuộc đời trước là cơ hội, là năng lực hay trí tuệ, vậy thì thứ quyết định nửa đời
sau lại chính là sức khỏe. Đáng tiếc là có nhưng người, thậm chí không thể bước
vào được cái gọi là “nửa đời sau” của mình…
Lời
kết:
Bước vào tuổi trung niên, mới
biết được rằng, quan trọng nhất chính là sự cân bằng.
Vật chất, người thân, tinh
thần, tình bạn, sức khỏe…
Giống như những quả bóng được
tung lên không trung vậy, bạn phải là một chú hề thật điệu nghệ, cố gắng không
để những quả bóng đó rơi xuống đất.
Cố lên, các chú hề!
Alexx
Không có nhận xét nào